GIL - "Bấp bênh" trên vai người khổng lồ Amazon - PineTree Securities

GIL

HOSE

Công ty Cổ phần Sản xuất - Kinh doanh - Xuất nhập khẩu Bình Thạnh

https://www.gilimex.com/

16/12/2022

Các chỉ số tài chính

Giá hiện tại (đồng)

24,450

Khối lượng GD trung bình 1 tháng (CP)

1,823,414

Cao nhất 6 tháng

56,378

Thấp nhất 6 tháng

15,800

EPS

7,984

ROE

23.05%

ROA

11.04%

% Cổ tức

0%

Vốn hóa thị trường
(Tỷ đồng)

1,811

Vốn chủ sở hữu
(Tỷ đồng)

878

Tổng quan doanh nghiệp

1. Hồ sơ doanh nghiệp: Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu Bình Thạnh, niêm yết trên sàn HOSE có mã chứng khoán GIL.
• Về ngành nghề kinh doanh:
Là một doanh nghiệp dệt may, phần lớn doanh thu của Gilimex đến từ sản xuất hàng dệt đa năng như các vật dụng lưu trữ, sản phẩm trong gia đình, giỏ đựng đồ giặt, túi xách, balô, đồ dùng ngoài trời, hàng trẻ em, chụp đèn, trong đó hai sản phẩm chính của GIL là vải kết hợp nhựa và vải kết hợp với kim loại. Sang đến năm 2020, Gilimex chủ trương mở rộng hoạt động thêm mảng bất động sản khu công nghiệp để đa dạng hóa nguồn thu cho doanh nghiệp.
• Lịch sử hình thành:
Tiền thân của Gilimex là công ty Cung ứng hàng xuất khẩu quận Bình Thạnh được thành lập từ năm 1982. Sau đó, để thực hiện chủ trương cổ phần hoá của Nhà nước, Công ty chính thức chuyển đổi sang hình thức cổ phần vào tháng 11/2000. Đến ngày 2/1/2002, mã cổ phiếu GIL lần đầu được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh. Từ đó đến nay, Gilimex đã trải qua 12 lần tăng vốn điều lệ, từ 12 tỷ đồng vào ngày đầu niêm yết lên 600 tỷ đồng vào đợt tăng vốn gần nhất quý 2/2022.
• Cơ cấu cổ đông:
Trong cơ cấu sở hữu của Gilimex hiện đang có 3 cổ đông lớn nắm giữ hơn 5% cổ phần của công ty, gồm có ông Lê Hùng: Chủ tịch hội đồng quản trị nắm giữ 8.78% cổ phần, cổ đông lớn thứ 2 là ông Nguyễn Phương Đông nắm giữ 5.48%, bà Lê Anh Thư nắm giữ 5.19% cổ phần của Gilimex – là con gái của Chủ tịch Lê Hùng.

Hoạt động kinh doanh

• Mảng xuất khẩu của Gilimex
- Tiền thân là doanh nghiệp chuyên cung ứng hàng dệt may xuất khẩu, sản phẩm của Gilimex là những đồ gia dụng quen thuộc được kết hợp từ vải với kim loại và vải với nhựa mà mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy ở trong gia đình mình hay bất cứ đâu. Thị trường xuất khẩu chính của Gilimex hiện tại là Mỹ và châu Âu với hai khách hàng lớn là Amazon và IKEA. Nhìn qua về cơ cấu khoản phải thu khách hàng, trong giai đoạn 5 năm gần nhất tỷ trọng khoản phải thu từ Amazon Robotics luôn chiếm khoảng gần 80% tổng giá trị phải thu ngắn hạn từ khách hàng của Gilimex, 20% còn lại đến từ IKEA và các khách hàng khác.
Về phía Amazon Robotics, sản phẩm nhập khẩu từ Gilimex có tên gọi là kệ vải chuyên dụng, được khách hàng lớn nhất của Gilimex sử dụng trong các kho hàng. Với sản phẩm này Amazon nhập khẩu từ 3 nhà cung cấp chính, chủ yếu là từ thị trường Việt Nam. Theo đó, nhà cung cấp lớn nhất sản phẩm kệ vải cho Amazon Robotics là Gilimex chiếm tỷ trong khoảng hơn 50%. Ngoài ra còn còn có 2 đại diện cung cấp đến từ Việt Nam là Global Cases với đóng góp khoảng 30% và Pou Sung Việt Nam, tỷ trọng không quá lớn.
- Chính nhờ sự duy trì đơn hàng với khách hàng lớn này giúp cho doanh thu của Gilimex có sự tăng trưởng khá ổn định trong những năm gần đây. Nhờ vào việc ký kết được các đơn hàng đều đặn và tập trung xuất khẩu cho tập khách hàng lớn mà biên lợi nhuận gộp của Gilimex khá tốt, trong giai đoạn 2017 – 2022 biên lợi nhuận gộp của Gilimex ổn định ở mức quanh 16% – 18%, nằm ngoài sự ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid tác động đến phần lớn các doanh nghiệp dệt may.
Để có một cái nhìn rõ nét về Gilimex, chúng ta cùng theo dõi sự biến động doanh thu của doanh nghiệp này theo từng quý. Doanh thu của Gilimex tăng trưởng khá tích cực kể từ khi dịch Covid bùng phát và lan rộng trên toàn cầu đầu năm 2020, khác với các doanh nghiệp dệt may tập trung xuất khẩu cho các nhà bán lẻ lớn qua kênh cửa hàng, khách hàng lớn nhất của Gilimex là Amazon Robotics. Amazon Robotics có công ty mẹ là Amazon – kênh bán hàng chủ yếu là thương mại điện tử đã được hưởng lợi lớn từ những đợt lockdown trên toàn cầu, chính nhờ sự tăng nhanh về nhu cầu mua bán qua kênh thương mại điện tử đã thúc đẩy Amazon Robotics mở rộng quy mô kho hàng và trung tâm phân phối, giúp gia tăng đơn hàng với Gilimex. Tuy nhiên sang đến quý 2/2022, doanh thu của Gilimex sụt giảm vô cùng mạnh, chỉ còn hơn 213 tỷ đồng, giảm 83% so với quý 2 và giảm 66% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế Q3 ghi nhận khoảng 128 tỷ, tăng trưởng hơn 11% so với Q2, tuy nhiên khoản lợi nhuận này đã bao gồm hơn 200 tỷ doanh thu tài chính thu được từ việc thoái vốn công ty CP Dệt may Gia Định trong Q3. Nếu không tính khoản doanh thu đột biến này thì Q3 Gilimex ghi nhận lỗ hơn 70 tỷ đồng.
- Kết quả kinh doanh của Gilimex có sự đồng pha tương đối với sự tăng trưởng quy mô kho hàng của Amazon. Theo dữ liệu của Cục điều tra dân số Hoa Kỳ thuộc Bộ thương mại Hoa Kỳ, tỷ trọng doanh số từ thương mại điện tử trong tổng doanh số bán lẻ đất nước này đã tăng từ 11.9% trong quý I năm 2020 lên 16.4% trong quý II năm 2020, tạo ra nhu cầu đột ngột về hình thức mua bán hàng online. Tăng trưởng quy mô của kho hàng của Amazon năm 2020 cũng ghi nhận mức tăng mạnh mẽ, đạt 47.8% là mức kỷ lục trong giai đoạn 5 năm gần nhất. Báo cáo thường niên của Amazon ghi nhận, tổng diện tích kho hàng của họ đã tăng từ hơn 25 triệu m2 vào cuối năm 2019 lên 48.7 triệu m2 vào cuối năm 2021, mức tăng gấp đôi trong 2 năm đại dịch.
Tuy nhiên, khi tình hình kinh tế ổn định trở lại, với tốc độ mở rộng quy mô quá nóng giai đoạn trước đó khiến cho Amazon phải điều tiết tốc độ mở rộng quy mô các fulfillment center chậm lại để phù hợp với nhu cầu bình thường hóa sau đại dịch. Điều này dẫn đến việc ký kết các đơn hàng của Gilimex cũng sẽ bị ảnh hưởng. Chi phí đầu tư mới vào tài sản cố định của Amazon giảm đáng kể từ mức tăng trưởng đạt đỉnh 15.5% vào quý III/2020 giảm còn 3.1% vào quý III/2022.

Mảng bất động sản khu công nghiệp

- KCN Phú Bài 4:
Cuối năm 2019, thông qua công ty con là CTCP Khu công nghiệp Gilimex, Gilimex chính thức ra nghị quyết được đầu tư vào dự án Khu công nghiệp Phú Bài 4 với tổng mức đâu tư khoảng 3,000 tỷ đồng, trong đó 500 tỷ từ vốn chủ sở hữu và 2,500 tỷ huy động từ tiền vay. Địa điểm thực hiện dự án ở Thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tổng quy mô của Phú Bài 4 được chia làm 2 đợt với đợt 1 diện tích khoảng hơn 410ha, đợt 2 diện tích khoảng hơn 85ha. Về vị trí địa lý và tiến độ thực hiện dự án, khu công nghiệp Phú Bài 4 có diện tích 460,85 ha, trong đó có khoảng 40ha thuộc địa phận phường Phú Bài và hơn 460 thuộc địa phận xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy. Vị trí của khu công nghiệp Phú Bài 4 ở Huế khá thuận lợi nằm ngay trên trục đường Quốc lộ 1A, cách Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài hơn 2km, cách cảng nước sâu Chân Mây khoảng hơn 40km, cách cảng Đà Nẵng khoảng 80km. Ngoài ra, mật độ dân cư ở quanh đây không quá thưa thớt do khoảng cách đến trung tâm thành phố Huế khoảng 15km không quá xa.
Tính đến hết Quý II, Gilimex đã được Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế phê duyệt phương án bồi thường 42.37ha, bàn giao mặt bằng diện tích 40 ha của phường Phú Bài; phê duyệt phương án bồi thường 191.7 ha, đã chi trả, bàn giao mặt bằng 158,2ha của xã Thủy Phù. Như vậy tổng diện tích của Phú Bài 4 đã được bàn giao mặt bằng là gần 200ha. Dựa vào tính toán so sánh giá cho thuê của một số khu công nghiệp tại TT Huế, chúng tôi ước tính giá cho thuê tại Gilimex sẽ dao động trên 30USD/m2 đến khoảng 50USD/m2. Doanh thu có thể được ghi nhận từ Q4/2022 trở đi.
- KCN Gilimex Vĩnh Long:
Ngày 7/9/2022, dự án khu công nghiệp Gilimex tại tỉnh Vĩnh Long được chấp thuận đầu tư sau hơn một năm Gilimex Vĩnh Long được thành lập, với tổng quy mô dự kiến khoảng 400ha, được xây dựng tại thị trấn Tân Quới và xã Thành Lợi, tỉnh Vĩnh Long. Hiện dự án đang ở giai đoạn mới được chấp thuận đầu tư. Về vị trí, khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long dự kiến sẽ được xây dựng ở vị trí cách cảng hàng không Quốc tế Cần thơ khoảng 19km và cách cảng biển Cần Thơ khoảng 17km.
- Ngoài hai khu công nghiệp kể trên, Gilimex tiếp tục đầu tư vào khu công nghiệp ở Quảng Ngãi. Tuy nhiên dự án này mới được Gilimex gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi xin được khảo sát địa điểm để đầu tư vào quý II/2022. Trước mắt Gilimex sẽ tập trung vào phát triển khu công nghiệp lớn nhất hiện tại là Phú Bài 4, chi tiết về Gilimex Vĩnh Long và Quảng Ngãi chúng tôi sẽ cập nhật thêm thông tin ở những bài cập nhật sau.

Tình hình tài chính

- Gilimex hầu như không có vay nợ dài hạn, trên bảng cân đối kế toán những năm gần đây chủ yếu thấy sự tăng lên đáng kể của tài sản ngắn hạn, nhất là trong giai đoạn 2 năm 2020-2021, hai khoản mục chính đóng góp vào tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp là hàng tồn kho và phải thu ngắn hạn của khách hàng. Đi kĩ hơn về tình hình vay nợ, tỷ lệ sử dụng đòn bẩy của Gilimex ở mức tương đối thấp khi so với doanh nghiệp trong ngành, chủ yếu các khoản vay là vay ngắn hạn kì hạn dưới 6 tháng, được thấp chấp bằng khoản phải thu từ bên khách hàng. Tỷ lệ này có xu hướng giảm dần trong 2 năm trở lại đây. Kết thúc ngày 31/12/2021, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ của Gilimex ở mức 0.6 lần, là mức khá an toàn.
- Do hoạt động kinh doanh của Gilimex tập trung vào khách hàng lớn nên vòng quay khoản phải thu có xu hướng chậm hơn trung bình ngành. Với tốc độ vòng quay phải thu là 6 vòng, tương ứng với kỳ thu tiền của khách hàng rơi vào khoảng 60 ngày tương đương 2 tháng, chậm hơn khá nhiều khi so với kỳ thu tiền trung bình của một số doanh nghiệp xuất khẩu khác như TNG (32 ngày), MSH (44 ngày).
- Xét về hiệu quả hoạt động, hệ số sinh lời của Gilimex khá tốt nhất trong giai đoạn đại dịch diễn ra do doanh thu thời gian này tăng trưởng ở mức cao. Tính đến cuối năm 2021, ROA của Gilimex đạt 10.2% và ROE đạt 22.8%.

Triển vọng doanh nghiệp

Trong ngắn hạn, khi khách hàng lớn nhất Amazon Robotics điều tiết chậm lại tốc độ mở rộng fulfillment sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của Gilimex. Amazon – công ty mẹ của Amazon Robotics đã ghi nhận 2 quý lỗ liên tiếp, lần báo cáo kết quả lợi nhuận lỗ đầu tiên kể từ năm 2015 đến nay. Khoản lỗ này đến từ nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu tập trung vào chi phí hoạt động tăng do tăng gấp đôi diện tích kho hàng trong 24 tháng để phục vụ nhu cầu thương mại điện tử tăng nóng trong đại dịch. Tuy nhiên khi xã hội toàn cầu hoạt động bình thường trở lại, điều này đã tác động ngược trở lại Amazon khi kho hàng và các trung tâm phân phối đang dư thừa công suất và doanh thu không bù đắp đủ. Điều này ngay lập tức đã tác động đến KQKD quý III của Gilimex và trong tương lai khi CFO Amazon - Brian Olsavsky giải thích rằng Amazon đã báo cáo hơn 2 tỷ USD chi phí liên quan đến việc vượt quá công suất và những chi phí này dự kiến sẽ tồn tại trong một thời gian. Ông cũng cũng đã thông báo rằng họ sẽ giảm bớt kế hoạch mở rộng trong năm 2022 và giảm chi tiêu cho hoạt động hoàn thiện để có thể tối đa hóa hiệu quả của không gian hiện tại. Công ty cũng có kế hoạch tiết kiệm thêm 30 triệu feet vuông diện tích nhà kho của mình.
Nhìn vào mặt tích cực, Gilimex đã chủ trương mở rộng HĐKD sang mảng khu công nghiệp từ cuối năm 2019, trước mắt là khu công nghiệp Phú Bài 4 được kì vọng sẽ bắt đầu có doanh thu từ quý 4 hi vọng sẽ bù đắp được khoản doanh thu thiếu hụt đi từ tập khách hàng lớn.

Copyright 2022. Công ty Cổ phần chứng khoán Pinetree | GPKD: 0101294902
Tạo phản hồi mới
Tra cứu phản hồi