FPT - Tiếp tục đà tăng trưởng - PineTree Securities

FPT

HOSE

Công ty Cổ phần FPT

https://fpt.com.vn/

26/08/2022

Các chỉ số tài chính

Giá hiện tại (đồng)

87,200

Khối lượng GD trung bình 1 tháng (CP)

1,985,796

Cao nhất 6 tháng

97,058

Thấp nhất 6 tháng

73,304

EPS

4,505

ROE

22.32%

ROA

9.20%

% Cổ tức

1.16%

Vốn hóa thị trường
(Tỷ đồng)

94,673

Vốn chủ sở hữu
(Tỷ đồng)

17,630

SƠ LƯỢC VỀ CÔNG TY

Công ty cổ phần FPT được thành lập vào ngày 13/09/1988 với 13 thành viên, với tên ban đầu là Công ty Công nghệ Thực phẩm (The Food Processing Technology Company). Đến năm 1990, công ty đổi tên thành Công ty Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT và bắt đầu phát triển các hệ thống CNTT lớn trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan chính phủ, điện tử,…Đến năm 2006, công ty bắt đầu niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE cũng như bắt đầu lấn sang mảng giáo dục khi thành lập Đại học FPT.
Đến thời điểm hiện tại, FPT là một trong những công ty hàng đầu về công nghệ tại thị trường Việt Nam cũng như đã gây dựng được thương hiệu tại thị trường quốc tế. FPT là đối tác tư vấn chiến lược chuyển đổi số toàn diện của hàng loạt tổ chức, tập đoàn hàng đầu các ngành năng lượng, sản xuất, thuỷ sản, tài chính – ngân hàng, bất động sản…

NGÀNH NGHỀ KINH DOANH CHÍNH

FPT luôn khẳng định vị thế tiên phong, dẫn đầu thị trường trong các lĩnh vực trọng yếu của Tập đoàn gồm Công nghệ, Viễn thông và Giáo dục. Đón đầu xu hướng phát triển của công nghệ, thị trường, FPT đã tạo dựng một Hệ sinh thái những dịch vụ, sản phẩm, giải pháp, nền tảng Made by FPT đẳng cấp toàn cầu, thúc đẩy sự phát triển, tăng trưởng bền vững của các tổ chức, doanh nghiệp cũng như mang đến những trải nghiệm mới, khác biệt cho người dùng.
Về mảng công nghệ, FPT tập trung chủ yếu vào thị trường nước ngoài bên cạnh phát triển thị trường trong nước. Thị trường nước ngoài chủ yếu được cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và chuyển đổi số bởi FPT Software, và mới đây là cả FPT Digital (được thành lập trong năm 2021 với mục đích chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn chuyển đổi số. Thị trường trong nước chủ yếu được cung cấp dịch vụ bởi FPT IS về các hệ thống, sản phẩm tích hợp phần mềm, bên cạnh đó hai công ty mới được triển khai trong năm 2021 là FPT Smart Cloud chuyên nghiên cứu về công nghệ AI, BigData,.. và Base.vn chuyên về nền tảng doanh nghiệp.
Về mảng viễn thông, FPT cung cấp các dịch vụ như Internet, đường truyền, trung tâm dữ liệu, các sản phẩm dịch vụ truyền hình, giải trí, giải pháp họp trực tuyến cũng như truyền thông số qua FPT Telecom, trong đó phần truyền thông số được cung cấp bởi FPT Online.
Về mảng giáo dục, FPT Education cung cấp dịch vụ đào tạo từ các bậc tiểu học, trung học cho đến trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học, liên kết quốc tế và đào tạo ngắn hạn cho doanh nghiệp.

TÌNH HÌNH TÀI SẢN – VAY NỢ - VỐN CHỦ SỞ HỮU

Tổng tài sản của FPT tại thời điểm cuối quý 2 đạt hơn 56 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của FPT là Tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới 1 năm với hơn 20.7 nghìn tỷ, không chênh lệch quá nhiều so với đầu năm. Xếp sau là Tài sản cố định và các khoản phải thu ngắn hạn lần lượt chiếm 19% và 13% cơ cấu tổng tài sản không có chênh lệch đáng kể nào so với đầu năm.
Tình hình vay nợ của FPT trong nửa đầu năm 2022 không có quá nhiều sự thay đổi so với đầu năm, khi mà chủ yếu đến từ vay ngắn hạn chiếm gần 60% tổng nợ, đạt mức 19,7 nghìn tỷ. Với một tập đoàn lớn có tiềm lực tài chính tốt như FPT thì khả năng chi trả nợ là không phải bàn cãi, do đó nơ ngắn hạn chiếm phần lớn tổng nợ là điều dễ hiểu.
Tương tự, vốn chủ sở hữu tại thời điểm giữa năm 2022, cũng không có nhiều biến động so với năm 2021, khi đạt mức 23,4 nghìn tỷ đồng.
Có thể nói, đối với một doanh nghiệp đặc thù về công nghệ như FPT, nếu chỉ nhìn về bảng cân đối kế toán thì sẽ khó có thể đánh giá được tình hình doanh nghiệp nên chúng ta sẽ tập trung phân tích vào kết quả kinh doanh.

KẾT QUẢ KINH DOANH

Về kết quả kinh doanh, Kể từ 2018 cho đến thời điểm hiện tại, bất chấp tình hình dịch bệnh Covid-19, FPT vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt doanh thu thuần cũng như lợi nhuận. Doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp nửa đầu năm 2022 đạt lần lượt 19,826 tỷ VND và 3,637 tỷ VND tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái, cũng như hoàn thành 47% so với kế hoạch đề ra. Về tốc độ tăng trưởng doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế, năm 2021 FPT vẫn giữ được mức 20% như thời điểm trước khi xảy ra Covid-19 vào năm 2019 và dự kiến 2022 tốc độ tăng trưởng này vẫn sẽ giữ nguyên. Có thể thấy doanh thu và lợi nhuận 2018 của FPT có sự sụt giảm so với 2017, lý giải cho điều này là do kể từ năm 2018, FPT chính thức không còn hợp nhất mảng bán lẻ. Nếu chỉ so sánh theo 3 mảng kinh doanh ở thời điểm hiện tại thì doanh thu, lợi nhuận FPT tại thời điểm đó vẫn tăng trưởng nhẹ.
Như đã trình bày ở trên, FPT hiện tại hoạt động chính ở 3 mảng kinh doanh là công nghệ, viễn thông và giáo dục. Trong đó, Công nghệ là ngành chủ yếu đem lại lợi nhuận cho FPT.
Có thể thấy, tỷ trọng cơ cấu của ngành công nghệ trong doanh thu thuần cũng như lợi nhuận sau thuế của FPT ngay càng tăng cho thấy việc chú trọng của doanh nghiệp của cho mảng này. Hiện tại đến năm Q22022, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của công nghệ chiếm lần lượt 57% và 45% toàn bộ doanh nghiệp, không thay đổi quá nhiều so với cơ cấu các năm gần đây

MẢNG CÔNG NGHỆ

Đi sâu hơn vào từng mảng, mảng công nghệ của doanh nghiệp được chia thành 3 dịch vụ: Gia công phần mềm, chuyển đổi số và dịch vụ khác. Có thể thấy doanh thu thuần và lợi nhuận của khối Công nghệ chủ yếu đến từ khách hàng nước ngoài khi năm 2021 chiếm tận 70% tổng doanh thu khối công nghệ trong đó gia công phần mềm chiếm 43% và chuyển đổi số chiếm 27%. Với xu hướng công nghệ mới, chuyển đổi số ngay càng tăng trưởng mạnh mẽ. Từ năm 2017, cơ cấu doanh thu dịch vụ này chỉ đạt ở mức 13% tổng doanh thu công nghệ, nhưng đến năm 2021 đã tăng lên 27%, và với tình hình nửa đầu năm 2022, tỉ trọng dịch vụ này đã lên tới 31% vượt qua cả mảng dịch vụ trong nước. Gia công phần mềm vẫn luôn là dịch vụ chủ đạo đem lại luận nhuận cho FPT kể từ 2017 bất chấp xu hướng giảm tỷ trọng trong tương lai.
Bên cạnh đó, chúng ta có thể thấy được biên lợi nhuận đến từ khách hàng nước ngoài luôn vượt xa khách hàng trong nước. Năm 2021, biên lợi nhuận từ khách hàng nước ngoài đạt ở mức 17% gần gấp 3 biên lợi nhuận trong nước. Tuy nhiên, với số liệu nửa đầu năm 2022, biên lợi nhuận dịch vụ trong nước tăng trưởng mạnh mẽ lên 10% cho thấy mảng này ngày càng được đầu tư hiệu quả.
Về khách hàng, đối với thị trường nước ngoài, kể từ 2017, Nhật Bản vẫn luôn là thị trường mà FPT tập trung vào nhiều nhất khi tỷ trọng doanh thu từ thị trường này luôn đạt từ 43-53% tổng doanh thu công nghệ nước ngoài qua các năm. Tuy nhiên, những năm gần đây đã cho thấy xu hướng dần dịch chuyển dần qua thị trường Mỹ, khi FPT đã ký được nhiều hợp đồng lớn đến từ thị trường này. Có thể thấy FPT chọn tập trung vào thị trường Nhật Bản do đây là một trong những thị trường công nghệ lâu đời và cũng có nhu cầu cao về outsourcing bên ngoài. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng thị trường công nghệ Nhật Bản đang sụt giảm đáng kể so với thời hoàng kim và chắc chắn cũng không thể so sánh với thị trường phát triển công nghệ mạnh mẽ hiện tại như Mỹ và Trung Quốc. Chính vì lẽ đó, xu hướng chuyển dịch sang thị trường Mỹ là một hướng đi đúng của FPT. Theo kế hoạch ban lãnh đạo, trong vòng 2 năm tới Mỹ được hướng tới trở thành thị trường lớn nhất của FPT tại nước ngoài.

MẢNG VIỄN THÔNG

Về mảng Viễn thông. Doanh thu của FPT có xu hướng tăng dần qua các năm với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 10-15%. Đến năm nửa đầu năm 2022, doanh thu thuần mảng Viễn thông đạt hơn 7 nghìn tỷ VND và dự kiến sẽ tăng lên 14,5 nghìn tỷ cả năm 2022. Dịch vụ viễn thông chiếm phần lớn toàn mảng khi luôn ở mức từ 93-95% từ 2017 đến nay. Mặc dù doanh thu thuần chiếm rất nhỏ tuy nhiên biên lợi nhuận của nội dung số lại ở mức rất cao quanh mức 45-50% trong 3 năm gần đây. Trong khi đó biên lợi nhuận dịch vụ Viễn thông mặc dù có sự tăng trưởng nhẹ qua các năm tuy nhiên cũng chỉ đạt ở mức 18% năm 2021 và 19% nửa đầu năm 2022.
Về dịch vụ Viễn thông, doanh thu chủ yếu đến từ Băng thông rộng khi luôn chiếm ở mức 61% toàn dịch vụ. Trong khi đó dịch vụ còn lại liên quan đến xây dựng hệ thống hạ tầng viễn thông và các dịch vụ khác. Biên lợi nhuận bang thông rộng luôn đạt ở mức 20% trong các năm gần đây và bắt đầu có xu hướng tăng khi nửa đầu năm 2022 đạt mức 24%. Trong khi đó, biên lợi nhuận các dịch vụ còn lại có xu hướng tăng dần qua các năm, đến nửa đầu năm 2022 đạt mức 14%.

MẢNG GIÁO DỤC

Về mảng giáo dục, số lượng người học quy đổi trên toàn hệ thống tăng trưởng qua các năm, đạt mức 74,313 học viên năm 2021, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt mức 40%. Điều này cho thấy sự tăng trưởng của mảng giáo dục mặc dù đây không phải là mảng chính của FPT.
Dự kiến trong thời gian tới FPT sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng các khuôn viên trường học tại khu vực Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bình Định, đưa vào hoạt động hai điểm trường phổ thông mới tại Bắc Ninh, Hải Phòng; tiếp tục hoàn tất thủ tục đầu tư các dự án trường liên cấp tại Quảng Nam, Bắc Giang, Hà Nam....

CƠ CẤU CHI PHÍ

Về cơ cấu chi phí, có thể thấy FPT chi rất nhiều cho nhân công và tỷ lệ chi phí này trong tổng chi phí ngày càng tăng khi FPT bỏ mảng bán lẻ và tập trung vào ngành công nghệ từ năm 2017. Đến năm 2021, chi phí nhân công đã chiếm 50% tổng chi phí, đạt mức hơn 15 nghìn tỷ VND, tăng 22% so với năm 2020.
Với số lượng nhân sự chiếm phần lớn ở mảng công nghệ, việc FPT chi nhiều chi phí nhân công cho mảng này là không thể bàn cãi. Năm 2021, chi phí nhân công cho mảng công nghệ chiếm 65% tổng chi phí nhân công, đạt mức hơn 9,7 nghìn tỷ, xếp sau là chi phí nhân công cho mảng viễn thông khí chiếm 28% tổng chi phí nhân công và đạt mức gần 4,2 nghìn tỷ. Có thể thấy FPT đang tập trung rất nhiều vào ngành công nghệ khi chi phí nhân công cho mảng này tăng trưởng 25-30%/năm kể từ 2018 đến nay. Dự kiến chi phí này sẽ tăng lên đáng kể khi mà FPT tiếp tục mở rộng quy mô thị trường công nghệ của mình không chỉ ở trong nước mà cả quốc tế, đồng thời thu nhập bình quân của nhân sự mảng công nghệ cũng tăng trưởng dần qua các năm.

TRIỂN VỌNG DOANH NGHIỆP

Khối Công nghệ: Dự kiến doanh thu lợi nhuận công nghệ của FPT tiếp tục đà tăng trường mạnh mẽ, đặc biệt là thị trường nước ngoài khi FPT sẽ cố gắng để ký thêm các bản hợp đồng lớn. Theo kế hoạch của ban lãnh đạo, thị trường Mỹ sẽ là thị mục tiêu tập trung của FPT trong vòng 3 năm tiếp theo. Doanh nghiệp cũng sẽ tiếp tục phát triển các gói giải pháp tiên tiến ứng dụng các công nghệ mới như Điện toán đám mây (Cloud), Trí tuệ nhân tạo (AI), Công nghệ chuỗi khối (Blockchain)... và mở rộng kênh bán hàng trong và ngoài nước để đẩy mạnh tăng trưởng trong các năm tới.
- Về thị trường nước ngoài: tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ chuyển dịch lên điện toán đám mây (Cloud), chuyển đổi số thông qua công nghệ Lowcode và tự động hóa, mở rộng thị trường thông qua hình thức M&A, tuyển dụng các chuyên gia không chỉ trong nước mà ở các quốc gia trên thế giới.
- Về thị trường trong nước: Tập trung hướng tới các khách hàng doanh nghiệp, tiếp tục phát triển và hoàn thiện các sản phẩm Made by FPT.
Khối viễn thông: Doanh thu lợi nhuận viễn thông kỳ vọng cũng sẽ tăng trưởng khi FPT sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng, đường truyền để nâng cấp trải nghiệm khách hàng cũng như tiếp cận các khách hàng tiềm năng ở khu vực ngoại ô và nông thôn. FPT cũng sẽ mở rộng các dịch vụ, sản phẩm cho doanh nghiệp như OnCX (Hệ thống tổng đài liên lạc thông minh), SD Swan (giải pháp mạng doanh nghiệp), cũng như phát triển hệ thống trung tâm dữ liệu.

Copyright 2022. Công ty Cổ phần Chứng khoán Pinetree | GPKD: 0101294902
Tạo phản hồi mới
Tra cứu phản hồi