CEO chứng khoán Pinetree giải mã tốc độ tăng trưởng margin “thần tốc”
Năm 2019, Hanwha, một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất Hàn Quốc đã thâu tóm Công ty chứng khoán HFT thông qua công ty thành viên là Hanwha Investment and Securities. Sau thương vụ thâu tóm này, chứng khoán Pinetree chính thức ra đời và được tăng vốn từ 100 tỷ lên 615 tỷ đồng.
Kể từ khi xuất hiện, Pinetree đã có bước tiến “thần tốc” khi trở thành Công ty chứng khoán (CTCK) có mức tăng trưởng dư nợ margin cao nhất thị trường trong quý 2 vừa qua. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lee Jun Hyuck – CEO Chứng khoán Pinetree.
Pinetree là CTCK có tốc độ tăng trưởng dư nợ margin lớn nhất thị trường trong quý 2, điều gì giúp một CTCK khá “mới” trên thị trường làm được điều này?
Dù là công ty trẻ nhưng chúng tôi có được sự hỗ trợ lớn từ công ty mẹ Hanwha Investment & Securities, cũng như có đủ kinh nghiệm, tiềm lực tài chính để cạnh tranh trên TTCK Việt Nam.
Khách hàng hiện đang rất quan tâm đến việc miễn phí giao dịch và lãi suất margin 9% không có bất kỳ điều kiện nào đi kèm tại chứng khoán Pinetree.
Điểm khác biệt cơ bản của chúng tôi với các công ty chứng khoán khác tại Việt Nam là chúng tôi không có chi nhánh và môi giới, điều đó giúp chúng tôi áp dụng được chính sách phí và lãi suất thấp cho khách hàng. Đó cũng là điểm mạnh giúp Pinetree trở nên hấp dẫn.
Thêm vào đó, chúng tôi vẫn đang không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, ví dụ như mở rộng dịch vụ tư vấn 1 -1 cho vay margin, nới room và danh mục ký quỹ…
Mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng margin.
Số lượng khách hàng đến với Pinetree đã thay đổi ra sao kể từ khi áp dụng chính sách ưu đãi phí giao dịch thấp hàng đầu thị trường?
Tính đến thời điểm hiện tại, nền khách hàng của chúng tôi tăng hơn 10 lần so với năm trước.
Với tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy, Pinetree đặt mục tiêu khi nào sẽ lọt vào top 10 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất?
Thị phần môi giới không phải mục tiêu quan trọng nhất của Pinetree. Tuy vậy, chúng tôi cũng có kế hoạch sẽ vào top 10 CTCK có thị phần lớn nhất vào năm 2022.
Với tiềm lực hậu thuẫn mạnh từ Hanwha, Pinetree liệu có tham gia hoạt động tự doanh, IB hay chỉ thuần thực hiện các nghiệp vụ môi giới? Ngoài ra Pinetree có kế hoạch tăng vốn?
Tất nhiên, như bạn biết, chúng tôi cũng có kế hoạch đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh như tự doanh và IB để có thêm các thu nhập từ dịch vụ chứ không chỉ thuần nghiệp vụ môi giới chứng khoán. Việc này cũng giúp Pinetree phát triển kinh doanh ổn định, bền vững. Trong tương lai, chúng tôi dự định ra mắt nhiều hơn các sản phẩm mới để phục vụ khách hàng như dịch vụ ngân hàng đầu tư cho khách hàng doanh nghiệp…Đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi trong thời gian tới.
Ngoài ra, chúng tôi cũng có kế hoạch tăng vốn để cạnh tranh với các công ty khác trên thị trường.
Có 3 lý do để chúng tôi thực hiện tăng vốn. Đầu tiên, việc tăng vốn giúp Pinetree phục vụ cho hoạt động giao dịch ký quỹ. Trong quý 2 vừa qua, Pinetree có dư nợ margin tăng trưởng tốt và sẽ cần thêm nguồn vốn để phục vụ khách hàng trong thời gian tới. Thứ 2, việc tăng vốn sẽ giúp Pinetree có đủ nguồn lực để phát triển các hoạt động kinh doanh mới như phái sinh, tự doanh hay IB. Cuối cùng, việc tăng vốn là yếu tố quan trọng giúp Pinetree củng cố hoạt động kinh doanh trên nền tảng số. Bạn có thể thấy đến 50% nhân sự của Pinetree là IT. Chúng tôi cần tập trung nguồn lực để phát triển các ứng dụng kỹ thuật số, phần mềm giao dịch… phục vụ khách hàng và chiến lược số hóa của chúng tôi.
Gần đây có làn sóng đổ bộ của các CTCK vốn Hàn Quốc vào Việt Nam, Pinetree có lo ngại áp lực cạnh tranh từ chính các CTCK Hàn Quốc như Mirae Asset, KB, KIS…?
Tôi nghĩ rằng Pinetree không chỉ cạnh tranh với các CTCK Hàn Quốc mà tại Việt Nam, chúng tôi còn phải cạnh tranh với nhiều CTCK lớn như SSI, HSC, VNDirect…Tôi không không phân biệt việc cạnh tranh với các công ty Hàn Quốc hay Việt Nam. Hơn nữa, tôi thấy các công ty chứng khoán có thể hợp tác với nhau để cùng phát triển và mở rộng thị trường chứng khoán Việt Nam. Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, nhưng hiện chỉ có gần 3 triệu tài khoản chứng khoán, chiếm khoảng 3%. Rõ ràng dư địa tăng trưởng là rất lớn và các công ty chứng khoán có thể vừa cạnh tranh vừa hợp tác với nhau.
Với chúng tôi, cạnh tranh cũng là một điểm tốt, là động lực và yếu tố cần thiết để cải tiến dịch vụ. Cạnh tranh chính là vì khách hàng, giúp duy trì sự phát triển bền vững. Tôi nghĩ chúng ta đều thoải mái với việc cạnh tranh.
Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo hướng dẫn giao dịch, trong đó có điều khoản liên quan đến hoạt động giao dịch trong ngày (T+0) và bán khống. Ông đánh giá sao về những thay đổi này với TTCK Việt Nam?
Theo quan điểm của tôi, việc cho phép bán khống và giao dịch trong ngày (T+0) sẽ mang đến cơ hội phát triển mạnh mẽ cho TTCK Việt Nam và nhà đầu tư, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định khi có quá nhiều giao dịch.
Việc áp dụng T+0 và bán khống sẽ giúp thị trường cải thiện thanh khoản, dòng tiền đầu tư có cơ hội đạt hiệu quả cao hơn. Ngoài ra sẽ giúp Việt Nam cải thiện các tiêu chí đánh giá của FTSE và MSCI, từ đó gia tăng cơ hội nâng hạng lên thị trường mới nổi và thu hút được lượng lớn dòng vốn ngoại trong thời gian tới.
Tại Hàn Quốc, những hoạt động giao dịch trong ngày, bán khống đã có từ cuối những năm 1990 và điều này đã giúp thanh khoản thị trường tăng lên đáng kể.
Tôi tin rằng khi đồng ý áp dụng các hoạt động trên cho thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và sẽ có các biện pháp phù hợp để quản lý, giám sát thị trường nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực.
Riêng đối với Nhà đầu tư, đây là những hoạt động tồn tại đồng thời cả cơ hội và rủi ro, nhà đầu tư nên trang bị đầy đủ kiến thức để hiểu rõ và sử dụng các sản phẩm mới một cách hiệu quả nhất.
Ông đánh giá ra sao về tiềm năng của TTCK Việt Nam? Pinetree đã có sự chuẩn bị những gì để đón đầu cơ hội tại Việt Nam?
Như tôi đã nói với bạn trên đây, tôi thấy TTCK Việt Nam rất tiềm năng. Số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam khá nhỏ so với các thị trường mới nổi khác hoặc so với Hàn Quốc. Tôi tin rằng với tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay, tương lai của TTCK Việt Nam sẽ trở thành thị trường phát triển.
Tôi thấy số lượng sản phẩm các công ty chứng khoán đang cung cấp tại Việt Nam còn khiêm tốn so với các thị trường phát triển khác trong khu vực. Đó là cơ hội tốt để Việt Nam tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, từ đó mở rộng thị trường.
Về tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam, cá nhân tôi cũng rất tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng. Tôi muốn nhấn mạnh đến sự phát triển của nguồn lực lao động tại đây. Người Việt Nam làm việc rất chăm chỉ và lạc quan, tin tưởng vào tương lai và sự phát triển nền kinh tế trong nước. Sự phát triển của thị trường chứng khoán ảnh hưởng nhiều bởi cảm xúc, niềm tin, sự lạc quan của nhà đầu tư cũng như sự phát triển của nền kinh tế. Và trong điều kiện hiện nay, Việt Nam thực sự đang có thế mạnh.
Việc Việt Nam đang thu hút lượng lớn nguồn vốn đầu tư FDI từ bên ngoài như một minh chứng cho tiềm năng phát triển mà tôi vừa nhắc tới.
Để đón đầu cơ hội này, chúng tôi cũng đã có mặt tại Việt Nam khá sớm so với các tập đoàn tài chính khác tại Hàn Quốc. Chúng tôi là công ty thứ 6 trong số hơn 40 công ty chứng khoán (thuộc các tập đoàn tài chính lớn) tại Hàn Quốc đầu tư vào thị trường Việt Nam. Chúng tôi thực sự kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng khi quyết định đầu tư vào thị trường này, đồng thời không muốn để tuột mất cơ hội đi đầu mà chúng tôi đang nỗ lực tạo dựng.
Chúng tôi cũng muốn làm theo cách riêng của mình với định hướng phát triển thành công ty chứng khoán số (digital securities) và chiến lược đầu tư này có thể giúp chúng tôi cạnh tranh tốt hơn với các công ty chứng khoán khác tại Việt Nam.
Một công ty chứng khoán theo chiến lược số không đơn thuần chỉ là trực tuyến. Chúng tôi đang nỗ lực mang đến những sản phẩm, dịch vụ áp dụng công nghệ kỹ thuật số tại Việt Nam.
Tôi muốn nói rằng, năng lực cạnh tranh kỹ thuật số (digital competitiveness) sẽ là điểm mạnh và được chúng tôi tập trung đầu tư để đón cơ hội tại Việt Nam.
Ông có dự báo ra sao về dòng vốn ngoại cũng như biến động chỉ số VN-Index trong thời gian tới?
Tôi nghĩ chỉ số VN-Index cũng có bị tác động bởi thị trường Thế giới. Trong những tháng qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới biến động thị trường. Tuy nhiên những tháng gần đây VN-Index đã có sự hồi phục tốt, thanh khoản thị trường cũng cải thiện đáng kể và tôi tin rằng thị trường sẽ duy trì xu hướng tích cực trong những tháng cuối năm.
Về dòng vốn ngoại, dù có xu hướng bán ròng trong những tháng gần đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng tôi tin rằng dòng vốn này sẽ sớm trở lại TTCK Việt Nam bởi hiếm có quốc gia nào trên Thế giới có được đà tăng trưởng kinh tế cũng như sự ổn định chính trị như vậy. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc thu hút dòng vốn đầu tư.
Theo Cafef
Công ty cổ phần chứng khoán Pinetree
-
Zalo OA: Chứng khoán Pinetree
-
Fanpage: Chứng khoán Pinetree
-
Youtube channel: Pinetree Securities
Bài viết sử dụng hình ảnh của freepik và các trang web cho sử dụng hình ảnh miễn phí khác.