SAB - Phục hồi sau đại dịch - PineTree Securities

SAB

HOSE

Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn

https://www.sabeco.com.vn

12/09/2022

Các chỉ số tài chính

Giá hiện tại (đồng)

195,000

Khối lượng GD trung bình 1 tháng (CP)

187,976

Cao nhất 6 tháng

197,900

Thấp nhất 6 tháng

149,000

EPS

7,167

ROE

19.89%

ROA

15.30%

% Cổ tức

0%

Vốn hóa thị trường
(Tỷ đồng)

124,280

Vốn chủ sở hữu
(Tỷ đồng)

18,486

SƠ LƯỢC VỀ CÔNG TY

Ngày 06/05/2003 Tổng công ty Bia Rượu NGK Sài Gòn SABECO được thành lập trên cơ sở Công ty Bia Sài Sòn và tiếp nhận các thành viên mới:Công ty Rượu Bình Tây; Công ty Nước giải khát Chương Dương; Nhà máy Thủy tinh Phú Thọ;Công ty Thương mại Dịch vụ Bia Rượu NGK Sài Gòn. Đến Ngày 11/05/2004 chuyển Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn sang tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con theo quyết định số 37/2004/QĐ-BCN của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp.
Đến năm 2017, ThaiBev – Một trong những tập đoàn hàng đầu về thực phẩm đồ uống trên thế giới đã M&A thành công SAB, qua đó doanh nghiệp chính thức rơi vào tay người Thái.
Kể từ đó cho đến nay, SAB vẫn luôn là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong thị trường Bia tại Việt Nam. Bên cạnh đó, với tiềm lực của công ty mẹ, SAB lên kế hoạch tiến tới sẽ tập trung phát triển thương hiệu ra khắp thị trường Đông Nam Á, sau đó là thị trường thế giới.

NGÀNH NGHỀ KINH DOANH CHÍNH

SAB chủ yếu sản xuất Bia, bên cạnh các sản phẩm đồ uống khác và hiện tại đang tập trung nhiều vào thị trường bia nội địa. Có thể nói, nhãn hiệu “Bia Sài Gòn” là một trong những nhãn hiệu nổi tiếng và lâu đời đối với thị trường Bia Việt Nam. Đến nay, SABECO đã phát triển 10 dòng sản phẩm là bia chai Saigon Lager 450, bia chai Saigon Export, bia chai Saigon Special , bia chai Saigon Lager 355, bia chai 333 Premium, bia chai Lạc Việt, bia lon 333, bia lon Saigon Special, bia lon Saigon Lager, bia lon Lạc Việt góp mặt đầy đủ trên thương trường.

TÌNH HÌNH TÀI SẢN – VAY NỢ - VỐN CHỦ SỞ HỮU

Về bảng cân đối kế toán, Kể từ sau thương vụ M&A SABECO của ThaiBev, tổng vốn chủ sở hữu và tổng tài sản của SABECO tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm. Cụ thể đến thời điểm quý II 2022, Tổng vốn chủ sở hữu doanh nghiệp đạt 24,4 nghìn tỷ, tăng 70% so với 2017. Trong khi đó, tổng tài sản doanh nghiệp đạt ở mức 31,3 nghìn tỷ, tăng 42% kể từ 2017 và tăng 3% so với cuối năm 2021.
Năm 2021, SABECO đã hoàn thành dự án đầu tư mở rộng nâng công suất Nhà máy Bia Sài Gòn-Quảng Ngãi lên 250 triệu lít/năm. Sang năm 2022, doanh nghiệp tiếp tục xây dựng và đầu tư hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời nhằm cải thiện việc cung cấp điện theo hướng tiết kiệm chi phí và mang tính hiệu quả cao.
Có thể thấy, tiềm lực tài chính của doanh nghiệp khá tốt khi phần lớn các khoản nợ của doanh nghiệp chỉ đến từ các khoản nợ ngắn hạn. Tại thời điểm cuối tháng 6 năm 2022, doanh nghiệp đã có sự cải thiện so với cuối năm 2021 khi giảm 14%.

KẾT QUẢ KINH DOANH

Có thể nhận thấy được, Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến SABECO trong 2 năm 2020 -2021. Tuy nhiên, trước những tích cực từ thị trường bia Việt Nam cũng như sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh là World Cup 2022 sẽ diễn ra vào cuối năm, sản lượng tiêu thụ cả năm của SABECO dự kiến có thể vượt mốc 950 triệu lít, tăng 20% so với năm ngoái.
Với việc sản lượng tiêu thụ tăng do nhu cầu người dân và giá cả tăng do ảnh hưởng bởi lạm phát, việc SABECO hoàn thành kế hoạch do ban lãnh đạo đề ra là hoàn toàn khả thi. Ban lãnh đạo đã lên kế hoạch cả năm doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt hơn 34 nghìn tỷ và 4,5 nghìn tỷ, lần tăng hơn 32% và 17% so với năm ngoái. Đến nửa đầu năm nay, doanh thu thuần của SABECO đạt hơn 16 nghìn tỷ, tương ứng 47% kế hoạch, trong khi đó lợi nhuận sau thuế hơn 3 nghìn tỷ, tương ứng 66% kế hoạch.
Bên cạnh đó, biên lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn giữ được tình hình tích cực qua các năm gần bất chấp tình hình dịch bệnh. Theo kết quả kinh doanh báo cáo hợp nhất quý II của doanh nghiệp, biên lợi nhuận ròng đạt ở mức 19%, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Về cơ cấu chi phí, chi phí nguyên vật liệu vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất khi luôn đạt ở ngưỡng 46-50% tổng chi phí vận hành từ 2017, tiếp đến là chi phí nhân công và chi phí quảng cáo khi mỗi loại chi phí này luôn đạt ở ngưỡng 10-20% tổng chi phí.
Từ đồ thị, có thể thấy SABECO tiếp tục đầu tư mạnh vào quảng cáo và khuyến mãi tương tự như 2021, khi chi phí này trong nửa đầu năm 2022 đạt hơn 1000 tỷ và chiếm 17% tổng chi phí. Theo kế hoạch trong năm 2022, SABECO vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình quảng bá sản phẩm, thương hiệu nhất là thời điểm World Cup sắp diễn ra vào cuối năm nay. Dự kiến chi phí quảng cáo 2022 có thể vẫn giữ ở mức 2,2 nghìn tỷ như 2021.

CHỈ SỐ TÀI CHÍNH

Về chỉ số tài chính, mặc dù có sự sụt giảm về tăng trưởng ROA và ROE kể từ 2018, tuy nhiên nếu so sánh với các doanh nghiệp sản xuất bia trong khu vực thì SABECO vẫn luôn nằm trong top có chỉ số tốt nhất. Cụ thể, trong năm 2021, ROA của SABECO đạt 13% gần như cao nhất trong khu vực, trong khi đó ROE đạt 17% chỉ đứng sau Chongquing Brewery của Trung Quốc trong khu vực.
Không những vậy, nếu so sánh với những ông lớn ngành bia trong khu vực thì mức P/E của SABECO đang nằm ở mức khá hấp dẫn 26.3.

THỊ TRƯỜNG CHUNG

Trong nửa đầu năm 2022, thị trường bia Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ khi mà dịch Covid-19 đã được kiểm soát hoàn toàn cũng như ngành du lịch, giải trí và ăn uống tại Việt Nam đã được mở cửa trở lại.
Có thể thấy tổng sản lượng bia và sản lượng bia tiêu thụ tại 6 tháng đầu năm nay đạt lần lượt 2.6 và 2.1 tỷ lít bia, bằng 64% sản lượng năm ngoái. Với việc người dân sinh hoạt bình thường trở lại cũng như sự kiện World Cup 2022 diễn ra vào cuối năm, dự kiến sản lượng tiêu thụ cả năm sẽ quay trở lại mức thời kỳ trước dịch.
Mặc dù có sự phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022, thị trường bia Việt Nam cũng sẽ gặp không ít những khó khăn. Cụ thể giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao cũng như ảnh hưởng bởi lạm phát toàn cầu dẫn đến xu hướng thắt chặt chi tiêu của người dân.
Giá nguyên vật liệu đầu vào ngành sản xuất bia trong 2022 đang có xu hướng tăng mạnh do ảnh hưởng của chiến tranh cũng như lạm phát toàn cầu.
Về thị phần bia tại thị trường Việt Nam, SABECO và HEINEKEN vẫn luôn là hai doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành qua các năm. Từ số liệu trên có thể thấy SABECO đang dần đánh mất vị trí độc tôn của mình tại thị trường bia Việt Nam khi để HEINEKEN vượt mặt. Theo số liệu năm 2021, thị phần HEINEKEN đạt ở mức 44% tổng thị phần trong khi đó, SABECO chỉ đạt 34%.

TRIỂN VỌNG DOANH NGHIỆP

Về triển vọng doanh nghiệp, trong thời gian tới, SABECO vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chiến dịch quảng cáo, marketing cũng như các chương trình khuyến mãi để nâng cao vị thế trong nước. Với nhiều điểm sáng tích cực đối với ngành thực phẩm đồ uống nói chung trong năm 2022 như việc dịch bệnh được cải thiện, nhu cầu người dân tăng cao, giá cả tăng do lạm phát hay sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh là World Cup 2022 diễn ra vào cuối năm, dự kiến doanh thu và lợi nhuận của SAB sẽ hồi phục mạnh mẽ và quay trở lại xu hướng tăng trưởng như thời điểm trước dịch. Ngoài ra, trong thời gian tới doanh nghiệp cũng sẽ tập trung xuất khẩu và xâm nhập các thị trường quốc tế cũng như đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa chi phí doanh nghiệp.

Copyright 2022. Công ty Cổ phần Chứng khoán Pinetree | GPKD: 0101294902
Tạo phản hồi mới
Tra cứu phản hồi