POW - Đại tu nhiều tổ máy phát điện trong năm 2022 - PineTree Securities

POW

HOSE

Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP

https://pvpower.vn/

23/09/2022

Các chỉ số tài chính

Giá hiện tại (đồng)

13,500

Khối lượng GD trung bình 1 tháng (CP)

17,075,342

Cao nhất 6 tháng

17,250

Thấp nhất 6 tháng

11,450

EPS

668

ROE

4.86%

ROA

2.83%

% Cổ tức

0%

Vốn hóa thị trường
(Tỷ đồng)

31,967

Vốn chủ sở hữu
(Tỷ đồng)

29,894

SƠ LƯỢC VỀ CÔNG TY

Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) được thành lập vào năm 2007 theo Quyết định 1468/QĐ-DKVN của Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Tổng Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải, kinh doanh, xuất nhập khẩu điện năng. Tổng Công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 07/2018. PV Power đang quản lý vận hành 7 Nhà máy điện với tổng công suất lắp đặt là 4.205 MW, gồm điện khí, than và thủy điện. Hàng năm PV Power cung cấp lên lưới điện Quốc gia khoảng 21 tỷ Kwh, chiếm 13-15% sản lượng điện thương phẩm Quốc gia, đứng vị trí thứ 2 sau Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

NGÀNH NGHỀ KINH DOANH CHÍNH

- Sản xuất và kinh doanh điện năng
- Quản lý xây dựng và vận hành các nhà máy điện
- Xuất nhập khẩu năng lượng, nhiên liệu cho sản xuất, kinh doanh điện
- Xuất nhập khẩu thiết bị, vật tư, phụ tùng cho sản xuất, kinh doanh điện
- Đầu tư xây dựng mới các dự án điện độc lập
- Thực hiện đầu tư, xây lắp, mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh điện
- …

TÌNH HÌNH TÀI SẢN

Thời điểm cuối tháng 6/2022, tổng tài sản của POW tăng 8,9%, đạt hơn 57,7 ngàn tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng mạnh lên 13,7 ngàn tỷ đồng, gấp 2,4 lần đầu năm, chủ yếu do khoản phải thu từ Công ty Mua bán Điện tăng mạnh. Đáng chú ý, trong kỳ vừa qua, trên BCTC của POW đã xuất hiện khoản Trả trước cho người bán ngắn hạn là Tập đoàn Samsung C&T và Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam – CTCP với tổng giá trị gần 2.000 tỷ đồng, đây là khoản tạm ứng theo hợp đồng EPC Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4.
Ngoài ra, các khoản trả trước cho Công ty TNHH hệ thống truyền tải và phân phối TOSHIBA Việt Nam với tổng giá trị gần 31 tỷ đồng là do gửi đại tu tổ máy 1 của nhà máy Vũng Áng 1.
Về cơ cấu tài sản dài hạn của POW, với đặc thù ngành thì đa phần tài sản cố định và ghi nhận hơn 30.487 tỷ đồng tại thời điểm 30/06/2022, giảm nhẹ 4,3% so với thời điểm đầu năm, chủ yếu do công ty thực hiện khấu hao. Trong số tài sản cố định thời điểm này, có hơn một nửa, tương đương gần 15.800 tỷ đồng tài sản cố định hữu hình đã khấu hao hết và vẫn còn đang được sử dụng.
Ngoài ra, tại thời điểm này, Tổng công ty đã thế chấp một phần tài sản cố định hữu hình với số tiền còn lại tại ngày 30/06/20222 là gần 27.400 tỷ đồng để đảm bảo cho các khoản tiền vay ngân hàng.

TÌNH HÌNH VAY NỢ

Tại thời điểm kết thúc Quý 2/2022, Tổng công ty ghi nhận hơn 25.500 tỷ đồng Nợ phải trả, tăng 16,7% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, khoản Phải trả người bán ngắn hạn tăng mạnh nhất 36,2% từ 7.240 tỷ đồng lên 9.864 tỷ đồng. Vay nợ ngắn hạn tăng hơn 585 tỷ đồng, chủ yếu từ khoản nợ với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và Vay nợ dài hạn tăng thêm 170 tỷ đồng. Kết quả là Tỷ lệ Vay nợ/Tổng tài sản của POW đã tăng lên 15,15% (Quý 1 là 14,64%).
Về phân loại các khoản vay, tính đến thời điểm 30/06/2022, Tổng công ty có hơn 2.775 tỷ đồng vay bằng Đô la Mỹ và 2.299 tỷ đồng vay bằng Việt Nam đồng. Riêng khoản vay bằng đô la Mỹ thì đã có gần 2.024 tỷ đồng (tương đương 95 triệu USD) vay ngân hàng ADB để thanh toán trước hạn và phục vụ nhu cầu vốn chung trong hoạt động sản xuất kinh doanh của CTCP Thủy điện Đakđrink, khoản vay này có thời hạn 10 năm kể từ ngày ký hợp đồng.

KHẢ NĂNG SINH LỜI

PV Power (POW) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 8 với tổng doanh thu đạt 1.868 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước và vượt 16% so với kế hoạch đề ra trước đó. Sản lượng điện trong tháng là khoảng 967,6 triệu kWh, gần như không thay đổi so với tháng 8/2021.
Xét về cơ cấu doanh thu, nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (NT2) và Nhà máy điện Vũng Áng 1 tiếp tục là hai đơn vị đóng góp nhiều nhất vào tổng doanh thu khi lần lượt mang về 790 tỷ và 482 tỷ, chiếm tỷ lệ 42% và 26% doanh thu tháng này của PV Power.
Lũy kế 8 tháng, PV Power ghi nhận 18.540 tỷ đồng tổng doanh thu, giảm 7,6% so với 8 tháng năm 2021; sản lượng điện là 9.115 triệu kWh.
Ngoại trừ một số nhà máy điện (NMĐ) có tổ máy đang đại tu, hầu hết các NMĐ của POW đều vượt chỉ tiêu kinh doanh trong tháng 8/2022:
- NMĐ Nhơn Trạch 2 được giao Qc 221,6 triệu kWh. Thời điểm 6/8 - 18/8 giá thị trường thấp, nhà máy NT2 chào giá bám sát sản lượng hợp đồng (Qc) và vận hành sản lượng thấp hơn Qc được giao, do vậy nhà máy vận hành đạt 367,3 triệu kWh, vượt 66% kế hoạch. Dù giá khí tăng, NT2 vẫn hưởng lợi nhờ vị trí gần vùng công nghiệp trọng điểm phía Nam và giá bán điện tăng mạnh.
- NMĐ Đakđrinh thực hiện đại tu Tổ máy H1 (từ ngày 20/7 hoàn thành ngày 27/8). Nhà máy được giao Qc 25,1 triệu kWh (Tuy nhiên, Trung tâm điều phối điện quốc gia (A0) đang đề nghị tăng Qc do điều kiện thời tiết bất thường). Mực nước trên hồ thủy điện Đakđrinh đang tương đối cao. Sản lượng của Nhà máy thủy điện Đắkđrinh trong tháng là 40,06 triệu kWh, vượt 35% kế hoạch được giao.
- Trong tháng, NMĐ Hủa Na được giao 84,9 triệu kWh, Nhà máy bám sát tình hình thủy văn và giá thị trường để chào giá vận hành đảm bảo hiệu quả tối ưu, do vậy sản lượng đạt 91,9 triệu kWh, bằng 108% kế hoạch được giao.
- NMĐ Vũng Áng 1 được giao Qc 211,4 triệu kWh tháng 8. Trong khi NMĐ Vũng Áng 1 đang dừng Tổ máy số 1 để đại tu. Do giá than rất cao trong tháng nên Vũng Áng 1 chào giá vận hành ngoài Qc khi giá thị trường tăng cao vào cuối tháng. Nhà máy vận hành 233 triệu kWh vượt 10% kế hoạch sản lượng được giao.
- Đối với NMĐ Cà Mau 1&2: Lượng khí được cấp tháng 8 thấp (dao động từ 1,4 - 2,0 triệu Sm3/ngày). NMĐ Cà Mau 1 đang trong kỳ đại tu dự kiến sẽ kết thúc giữa tháng 9. Đặc biệt, từ ngày 20/8 – 2/9 dừng cấp khí để bảo dưỡng sửa chữa định kỳ hệ thống PM3, do vậy nhà máy chỉ vận hành đạt 144,8 triệu kWh.

THỦY ĐIỆN
Tình hình thủy văn đến cuối năm tiếp tục thuận lợi cho các nhà máy thủy điện: Theo dự báo của Viện nghiên cứu thời tiết và xã hội của Mỹ (IRI) và Trung tâm khí tượng thủy văn, các đợt nắng nóng trong năm nay sẽ giảm bớt và hiện tượng La Nina có thể kéo dài đến hết năm 2022 nên thủy điện có thể sẽ được huy động tối đa sản lượng. Các hồ chứa thuỷ lợi vừa và lớn tại các tỉnh ở Trung Bộ và Nam Bộ dung tích bình quân đạt từ 50-80% dung tích thiết kế. Thêm vào đó, từ tháng 9 đến hết năm 2022, tổng lượng mưa tại các khu vực Trung Bộ, Nam Bộ sẽ cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 20%-50% (xác suất hơn 60%).
Thủy điện được ưu tiên huy động trong thời gian tới, nhờ giá bán rẻ hơn so các nguồn điện khác: Theo đó, EVN sẽ huy động tối đa các nhà máy thủy điện có nước về tốt; nhiệt điện than, tuabin khí huy động theo nhu cầu hệ thống và bài toán tối ưu thủy-nhiệt điện; dự phòng nhiệt điện dầu.
Theo lãnh đạo PV Power, tháng 8 vừa qua cũng là thời điểm mùa mưa tại miền Bắc và miền Nam. Trong nửa đầu tháng có xuất hiện bão số 2 và mưa lớn xảy ra tại các tỉnh phía Bắc với tổng lượng mưa phổ biến 100 - 200mm/đợt. Những điều kiện trên đã có những tác động không nhỏ đến Tổng công ty như Thủy điện Hủa Na và Thủy điện Đakrinh đều vượt chỉ tiêu j
CTCP Thủy điện Đakđrinh (Công suất 125MW, POW sở hữu 95,3%) nhận khoản tín dụng trị giá 95 triệu USD nhằm tái cấu trúc Nhà máy thủy điện Đakđrinh: Công trình thuỷ điện Đakđrinh là công trình có quy mô lớn nhất trên hệ thống bậc thang thuỷ điện trên lưu vực sông Trà Khúc và là công trình trọng điểm trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là khoản vay đầu tiên trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng tại Việt Nam và là khoản vay không có bảo lãnh chính phủ, với những cam kết cao nhất về môi trường và xã hội. Thêm vào đó, NMĐ Đakđrinh thực hiện đại tu Tổ máy H1, dự kiến từ ngày 20/7 hoàn thành ngày 27/8.

NHIỆT ĐIỆN KHÍ VÀ THAN
8T2022, nguồn điện huy động từ điện khí chỉ tương đương cùng kỳ năm ngoái: Từ đầu năm 2022, trong bối cảnh giá dầu thế giới vẫn neo cao kéo theo đó là giá khí cung cấp cho các nhà máy cũng tăng đến gần 33% so với cùng kỳ, khiến cho giá bán điện của nhiệt điện khí tăng cao đã ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và tác động tiêu cực đến biên lợi nhuận của các nhà máy điện khí.
Theo đó, từ đầu tháng 5/2022, điện khí không còn được huy động nhiều nên tổng sản lượng điện khí được huy động chỉ tương đương cùng kỳ và đạt 19,67 tỷ kWh lũy kế 8T2022 (cùng kỳ năm ngoái đạt 19,79 tỷ kWh). Điển hình như nhà máy điện Cà Mau 1&2 ghi nhận lượng khí được cấp tháng 8 thấp (dao động từ 1,4 - 2,0 triệu Sm3/ngày).
Về nhiệt điện than, từ đầu năm 2022, nhiệt điện than gặp vấn đề với nguồn cung than nhập khẩu nên nhiệt điện khí được huy động thay thế bất chấp việc giá khí đầu vào tăng cao: Tính từ đầu năm 2022, nhiệt điện than được huy động 71,67.94 tỷ kWh, chiếm 39,4% tổng sản lượng huy động nhưng giảm 16% YoY. Nguyên nhân do thiếu than trong 4 tháng đầu năm và các nguồn điện khác dồi dào hơn. Sự thiếu hụt nguồn than nhập khẩu đã được khắc phục khi sản lượng than nhập khẩu tăng trở lại từ tháng 5 trong bối cảnh giá than thế giới giảm nhẹ.

CÁC DỰ ÁN ĐANG TRIỂN KHAI

- Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4: Ngày 23/11/2021, PV Power chính thức khởi công san lấp mặt bằng xây dựng Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4. Với tổng công suất 1.500 MW và tổng mức đầu tư gần 1,4 tỷ USD, đây là Nhà máy điện sử dụng khí hóa lỏng (LNG) đầu tiên và có quy mô lớn nhất Việt Nam.
- Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh: Ngày 24/10/2021, nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh chính thức khởi động với việc UBND tỉnh Quảng Ninh trao giấy chấp thuận đầu tư cho tổ hợp nhà đầu tư PV Power - Colavi - Tokyo Gas – Marubeni. Đây là nhà máy điện sử dụng khí LNG nhập khẩu đầu tiên của miền Bắc với tổng công suất 1.500 MW và tổng mức đầu tư dự kiến 2 tỷ USD.
- Tái cấu trúc Nhà máy thủy điện Đakđrinh: Sáng ngày 14/12/2021, PV Power tổ chức lễ ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 95 triệu USD giữa Công ty Cổ phần Thủy điện Đakđrinh (PV Power DHC), Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và Ngân hàng Natixis nhằm tái cấu trúc Nhà máy thủy điện Đakđrinh. Công trình thuỷ điện Đakđrinh là công trình có quy mô lớn nhất trên hệ thống bậc thang thuỷ điện trên lưu vực sông Trà Khúc và là công trình trọng điểm trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là khoản vay đầu tiên trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng tại Việt Nam và là khoản vay không có bảo lãnh chính phủ, với những cam kết cao nhất về môi trường và xã hội Trước đó, vào lúc 20h30 ngày 29/11/2021, Công ty CP Thủy điện Đakđrinh (PV Power DHC) đã cán mốc 527 triệu kWh về sản lượng điện, về đích sớm 32 ngày so với kế hoạch năm 2021.

ĐÁNH GIÁ CÔNG TY

Sau sự cố tại NMĐ Vũng Áng 1 và đang dừng Tổ máy số 1 để đại tu, cùng với kế hoạch NMĐ của PV Power sẽ ngừng máy để thực hiện sửa chữa lớn như Nhà máy điện Cà Mau 1 thực hiện đại tu, Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 thực hiện trung tu, Nhà máy điện Đakđrinh thực hiện đại tu…Cùng với tình hình thủy văn thuận lợi nên sản lượng huy động theo hợp đồng (Qc) của các NMĐ khí và than của POW có thể được huy động thấp hoặc không huy động, dẫn tới việc tổng sản lượng điện của POW có thể không đạt được như kỳ vọng.
Tuy nhiên, với tình hình giá bán điện có thể vẫn duy trì ở mặt bằng cao từ đầu năm 2022 đến nay sẽ giúp POW vẫn đảm bảo được kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đặt ra hồi đầu năm.
Thời gian tới, POW sẽ tiếp tục không chia cổ tức bằng tiền mặt (giai đoạn 2021-2025) để tập trung nguồn lực phát triển dự án Nhơn Trạch 3&4 thông qua lợi nhuận chưa phân phối. Công ty sẽ xem xét chi trả cổ tức bằng cổ phiếu vào thời điểm thích hợp trong tương lai

Copyright 2022. Công ty Cổ phần chứng khoán Pinetree | GPKD: 0101294902