Tổng hợp 8 “cú rơi lịch sử” trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Năm 2001 – Giảm trên 300 điểm
VN-Index chính thức hoạt động từ ngày 27/7/2000 với số điểm khởi đầu là 100 và đạt đỉnh 571 điểm vào 25/6/2001.
Bong bóng chứng khoán dần được hình thành do diễn biến thị trường lúc đó tăng trưởng quá nóng trong thời ngắn, tiềm ẩn nguy cơ về đợt điều chỉnh giảm sâu. Cộng thêm việc một số quy định từng được đưa ra nhằm kiểm soát tăng nóng đã khiến nhà đầu tư không mặn mà với thị trường.
Cuối năm 2001, VN-Index bay hơn 300 điểm so với đỉnh từng xác lập, đóng cửa tại mức 235,4 điểm.
Giảm 8 phiên liên tiếp tháng 06/2006
Năm 2006 cơn sốt chứng khoán bộc lộ rõ nét. VN-Index lên gần 600 điểm vào đầu tháng 4 và được đánh giá là một trong những thị trường chứng khoán có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Sau đà tăng nóng, từ nửa cuối tháng 4/2006, chứng khoán bước vào xu thế giảm với nhịp điều chỉnh như từng dự báo. Ngày 12/6/2006, VN-Index mất 2,81 điểm, suốt 7 phiên liên tiếp sau đó, chỉ số này cũng lao dốc và giảm tổng cộng hơn 60 điểm, xuống còn 487,86 điểm.
Tháng 10/2008 – Khủng hoảng kinh tế thế giới – Giảm 88,58 điểm 7 phiên liên tiếp
VN-Index năm 2008 khiến nhiều nhà đầu tư ‘’hãi hùng’’, khi ngày nào cũng chứng kiến cảnh cổ phiếu chạm sàn hàng loạt, 7 phiên giảm liên tiếp khiến Vn-Index mất 88,58 điểm, bắt đầu từ ngày 3/10/2008. Nguyên nhân chính là bất ổn kinh tế vĩ mô thế giới với sự sụp đổ của Lehman Brothers, lạm phát tăng cao, tín dụng thắt chặt, giá các loại nhiên liệu cao đạt đỉnh, giá vàng thả nổi lên xuống khá thất thường.
Tháng 8/2012 – Sự kiện bầu Kiên và VNindex mất 27,05 điểm sau 2 phiên
Ngày 21/8/2012, sự kiện bầu Kiên bị bắt đã gây đợt giảm điểm trên diện rộng đối với sàn chứng khoán ngay từ khi mở cửa. Hai chỉ số VN-Index và HNX-Index phủ sắc đỏ, nhiều cổ phiếu đột ngột bị bán mạnh từ đầu phiên do dính đến bầu Kiên như ACB, EIB.
Vào cuối ngày, VN-Index mất 20,44 điểm, lùi về 416,84 điểm. Hai hôm sau, chỉ số này tiếp tục bay thêm 17 điểm và mất mốc 400.
2014, năm thăng trầm chưa từng có của chứng khoán Việt Nam
Trong năm này, thị trường chứng khoán chịu nhiều các tác động từ những yếu tố bên ngoài, mà tiêu biểu nhất là sự kiện biển Đông và những đột biến của giá dầu thế giới. Ngày 2-5-2014, giàn khoan Hải Dương 981 được Trung Quốc đưa đến khu vực biển cách quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 17 hải lý (khoảng 30 km) và nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Sự kiện này bắt đầu tác động đến thị trường từ cuối tháng 4. Chỉ trong vòng 7 phiên, VN-Index đã sụt giảm hơn 11%, rơi xuống mức thấp nhất 508,51 điểm.
Năm 2018 – Đầu xuôi nhưng đuôi không lọt – Biến động dữ dội hàng đầu thế giới
Trong năm 2018, VN-Index từng lập đỉnh cao mới trong lịch sử ở mức 1.211 điểm (ngày 10/4/2018), nhưng sau đó lại có quá trình sụt giảm mạnh 27% xuống đáy 888 điểm vào ngày 30/10/2018.
Điểm nhấn của năm là việc VHM của CTCP Vinhomes lên sàn tạo ra phiên giao dịch tỷ USD đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị giao dịch lên tới hơn 28.500 tỷ đồng tính riêng VHM, và gần 34.900 tỷ toàn thị trường trong phiên 18/5. Cùng với VRE, bộ ba cổ phiếu thuộc Vingroup có thời điểm chiếm đến 23% tổng vốn hóa sàn HOSE và có tác động rất lớn đến biến động của VN-Index.
Quý I/2020, thị trường giảm sàn do đại dịch COVID-19
Ngay sau kì nghỉ lễ năm 2020, thị trường chứng khoán rơi vào thời kì ‘’đen tối’’ do đại dịch COVID-19 gây ra.Thị trường liên tục rơi vào trạng thái hoảng loạn với áp lực bán tháo mạnh của nhà đầu tư. VN-Index lập đáy vào ngày 30/3 ở mức 662,26 điểm, tương ứng giảm 27% so với thời điểm 22/1/2020. Theo thống kê có đến 369 cổ phiếu giảm trên 25% trong đó có rất nhiều cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn.
Tuy nhiên, ngay sau phiên đáy, thị trường đã liên tục thăng hoa và tăng điểm ngoạn mục nhiều phiên, VNindex đã lần đầu lập đỉnh 1500 điểm.
VN-Index mất mốc 1000 điểm năm 2022
Kết phiên sáng 24/10, sàn HOSE có tới 382 mã giảm (60 mã giảm sàn), VN-Index giảm 23,37 điểm (-2,29%), xuống 996,45 điểm.
Làn sóng bán tháo ập đến khi thị trường chứng khoán bước vào môi trường bất lợi với lãi suất ngân hàng tăng mạnhcùng loạt thông tin tiêu cực liên quan tới các lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản lớn. Tình hình kinh tế chính trị thế giới càng không mấy khả quan..
Với mức giảm này, chứng khoán Việt Nam tiếp tục là một trong những thị trường giảm mạnh nhất thế giới trong ngày 24/10.
Nguồn: Tổng hợp
Chứng khoán Pinetree miễn phí hoàn toàn phí giao dịch trọn đời và công cụ lãi suất Margin 9%/năm không kèm điều kiện. Đây là mức phí tốt nhất thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay.
Công ty cổ phần chứng khoán Pinetree
-
Zalo OA: Chứng khoán Pinetree
-
Fanpage: Chứng khoán Pinetree
-
Youtube channel: Pinetree Securities
Bài viết sử dụng hình ảnh của freepik và các trang web cho sử dụng hình ảnh miễn phí khác.