Thị trường chứng khoán phái sinh là gì? Thị trường phái sinh dành cho ai?
1. Thị trường phái sinh là gì?
Thị trường phái sinh là nơi giao dịch các công cụ tài chính mà giá trị của chúng phụ thuộc vào giá của một tài sản cơ sở, như cổ phiếu, hàng hóa (nông sản, kim loại), hoặc chỉ số. Các công cụ phái sinh phổ biến bao gồm hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, và hợp đồng hoán đổi.
2. Ý nghĩa của thị trường phái sinh
– Phòng vệ rủi ro: Thị trường phái sinh giúp các nhà đầu tư và doanh nghiệp bảo vệ mình khỏi những biến động không lường trước được trong giá cả.
– Cơ hội sinh lời: Cung cấp nhiều chiến lược đầu tư khác nhau, từ phòng ngừa rủi ro đến đầu cơ.
– Tăng tính thanh khoản: Thúc đẩy tính thanh khoản cho các tài sản cơ sở.
3. Thị trường phái sinh thế giới
Đầu thế kỷ XVII, giao dịch phái sinh trên nông phẩm đầu tiên diễn ra tại Sở giao dịch Gạo tại Osaka – Nhật Bản. Cũng cùng thời điểm này, tại Hà Lan, giao dịch phái sinh trên lúa mì cũng lần đầu tiên đi vào hoạt động, phục vụ nhu cầu của nhiều quốc gia Châu Âu để tích trữ và chi trả bằng nông phẩm.
Vào thế kỷ XIX, ở Hoa Kỳ, thị trường phái sinh trên nông phẩm được hình thành. Sau đó, tài sản cơ sở mở rộng, không chỉ là nông phẩm. Năm 1948, Hội đồng mậu dịch kỳ hạn ra đời tại Chicago – Hoa Kỳ. Theo sau đó, trung tâm giao dịch mua bán nông phẩm kỳ hạn cũng hình thành, tạo tiền đề cho các hợp đồng mua bán kỳ hạn nhằm giảm thiểu rủi ro về giá nông phẩm do thời tiết, khí hậu.
Hàng hóa giao dịch thời kỳ này là ngũ cốc, lúa mì, bắp, đậu. Về sau có thêm gia súc, trứng, thực phẩm và nước trái cây ướp lạnh. Phổ biến trong thời kỳ này là các hợp đồng kỳ hạn về nông phẩm. Để khắc phục nhược điểm của hợp đồng kỳ hạn là không được chuẩn hóa và khó bán lại cho bên thứ ba, hợp đồng tương lai đã ra đời.
Những năm 1980, chứng khoán phái sinh đạt cột mốc thứ 2 khi các sản phẩm phái sinh mở rộng trên tài sản tài chính như cổ phiếu đơn lẻ, chỉ số cổ phiếu, trái phiếu và các kim loại quý, năng lượng. Đồng thời, công nghệ được hiện đại hóa, việc kết nối thị trường đã vượt ra khỏi các rào cản về địa lý.
Ngày nay, thị trường phái sinh toàn cầu rất phát triển, với các sàn giao dịch lớn như:
– Chicago Mercantile Exchange (CME): Nơi giao dịch hợp đồng tương lai và quyền chọn.
– Intercontinental Exchange (ICE): Giao dịch hàng hóa và năng lượng.
– Eurex: Một trong những sàn giao dịch phái sinh lớn ở châu Âu.
4. Thị trường phái sinh tại Việt Nam
Tại Việt Nam, thị trường phái sinh ra đời từ năm 2017, với sản phẩm đầu tiên là hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30. Thị trường này ngày càng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, nhờ vào tính minh bạch và các quy định pháp lý. Quy mô và thanh khoản thị trường cũng tăng trưởng mạnh qua các năm. Trong đó, khối lượng giao dịch trung bình Hợp đồng tương lai VN30 tăng từ 10.954 hợp đồng/phiên năm 2017 lên gần 250.000 hợp đồng/phiên trong 11 tháng đầu năm 2022.
Năm 2019, thị trường chứng khoán phái sinh có thêm sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ (TPCP) kỳ hạn 5 năm.
5. Các chủ thể tham gia trên thị trường chứng khoán phái sinh
Các chủ thể tham gia chủ yếu trên thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam gồm:
– Cơ quan quản lý nhà nước: Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cấp phép cho các hoạt động trên thị trường chứng khoán phái sinh.
– Sở Giao dịch chứng khoán: Thiết kế các sản phẩm, cung cấp hệ thống giao dịch, giám sát các giao dịch chứng khoán phái sinh.
– Thành viên giao dịch: Cung cấp dịch vụ môi giới, tư vấn,… cho các nhà đầu tư trên thị trường, tự doanh chứng khoán.
– Trung tâm Thanh toán bù trừ: Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) thực hiện thanh toán lãi lỗ hàng ngày vào ngày T+1 và thanh toán thực hiện hợp đồng vào ngày thanh toán cuối cùng (ngày làm việc liên sau ngày giao dịch cuối cùng). VSD thực hiện xác định nghĩa vụ thanh toán tiền lãi lỗ vị thế của từng tài khoản và bù trừ theo từng thành viên.
– Thành viên bù trừ: Cung cấp dịch vụ bù trừ thanh toán chứng khoán phái sinh cho các nhà đầu tư thường thông qua thành viên giao dịch và các thành viên giao dịch khác trên thị trường.
– Ngân hàng Thanh toán: Thực hiện việc chuyển khoản/thanh toán tiền và cung cấp dữ liệu tài khoản cho thanh toán bù trừ.
6. Thị trường phái sinh dành cho ai?
Thị trường phái sinh phù hợp với nhiều đối tượng, bao gồm:
– Nhà đầu tư cá nhân: Những người muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư và tìm kiếm cơ hội lợi nhuận.
– Doanh nghiệp: Để phòng ngừa rủi ro liên quan đến biến động giá.
– Nhà đầu tư tổ chức: Quỹ đầu tư, ngân hàng, và tổ chức tài chính.
Thị trường chứng khoán phái sinh là thị trường mà tổng lãi – lỗ là bằng không, có người được thì sẽ có người mất. Tức là tiền từ túi nhà đầu tư này chuyển sang túi nhà đầu tư khác. Cuộc chơi càng đông người tham gia thì sẽ càng khó kiếm lời trong ngắn hạn. Vì vậy, nhà đầu tư muốn tham gia thị trường cần phải có sự hiểu biết sâu về sản phẩm, dịch vụ và có kinh nghiệm trong phân tích và quan sát thị trường. Nhiều nhà đầu tư còn thiếu kinh nghiệm nhưng mong muốn có lợi nhuận nhanh, mua bán liên tục trong phiên. Điều này dẫn đến thua lỗ, đồng thời mất nhiều thời gian theo dõi bảng điện và căng thẳng đầu óc.
Ngược lại, chứng khoán phái sinh giúp đa dạng hóa sản phẩm, tạo thêm cơ hội đầu tư cũng như phòng hộ rủi ro cho các thành viên trên thị trường. Vì vậy, thị trường chứng khoán phái sinh phù hợp với những nhà đầu tư đã nắm vững kiến thức và có kinh nghiệm.
Nếu Nhà đầu tư đang cân nhắc đầu tư chứng khoán phái sinh và muốn tiết kiệm phí cũng như sử dụng một nền tảng giao dịch nhanh, mượt, bảo mật, hãy tải ứng dụng AlphaTrading và mở tài khoản nhé.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Pinetree
-
Zalo OA: Chứng khoán Pinetree
-
Fanpage: Chứng khoán Pinetree
-
Youtube channel: Pinetree Securities
Bài viết sử dụng hình ảnh của freepik và các trang web cho sử dụng hình ảnh miễn phí khác.