Ngày đáo hạn chứng khoán phái sinh và lưu ý cho nhà đầu tư
Ngày đáo hạn chứng khoán phái sinh và lưu ý cho nhà đầu tư
Kiến thức 06/06/2024

Ngày đáo hạn chứng khoán phái sinh và lưu ý cho nhà đầu tư

Ngày đáo hạn chứng khoán phái sinh và lưu ý cho nhà đầu tư

Ngày đáo hạn chứng khoán phái sinh là một sự kiện quan trọng trên thị trường tài chính. Nó không chỉ quan trọng với thị trường phái sinh mà còn có khả năng tác động và chịu tác động từ thị trường chứng khoán cơ sở. Khái niệm ngày đáo hạn phái sinh không còn xa lạ với những Nhà đầu tư phái sinh và Nhà đầu tư chứng khoán lâu năm. Nhưng nhiều nhà đầu tư mới chưa hiểu đầy đủ ngày đáo hạn chứng khoán phái sinh là gì, ảnh hưởng thế nào đến thị trường cơ sở. Bài viết sau của chứng khoán Pinetree sẽ cung cấp cho Nhà đầu tư những kiến thức về ngày đáo hạn chứng khoán phái sinh, và những điều cần lưu ý khi đến ngày đáo hạn phái sinh.

1. Ngày đáo hạn phái sinh

1.1 Ngày đáo hạn phái sinh là gì?

Đáo hạn phái sinh (Tiếng anh: Expiration date) là ngày hiệu lực cuối cùng của một hợp đồng phái sinh. Đây là ngày mà hợp đồng phái sinh sẽ hết hạn và không còn hiệu lực nữa. Trước hoặc trong ngày đáo hạn, những người tham gia hợp đồng phải quyết định vị thế cuối cùng của họ.

Khi kết thúc phiên giao dịch trong ngày đáo hạn hợp đồng tương lai thì chỉ số của hợp đồng tương lai sẽ bằng với chỉ số của VN30, chênh lệch giữa hợp đồng tương lai và VN30 chính là khoản lãi/lỗ của nhà đầu tư.

Vào ngày đáo hạn, hợp đồng của tháng hiện tại được tất toán thành tiền mặt và chuyển sang các tháng tiếp theo để giao dịch. Vào ngày này, các nhà đầu tư sẽ tiến hành chốt lời hoặc cắt lỗ và chuyển sang hợp đồng phái sinh mới.

1.2 Khi nào thì đáo hạn phái sinh?

Tại thị trường Việt Nam, ngày đáo hạn chứng khoán phái sinh thường diễn ra vào Thứ Năm tuần thứ 3 trong tháng đáo hạn của hợp đồng. Nếu ngày đáo hạn rơi vào ngày nghỉ lễ, tết theo quy định tại Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 thì ngày giao dịch liền trước đó sẽ được tính là ngày đáo hạn. Tháng đáo hạn của hợp đồng tương lai thường là tháng hiện tại, tháng kế tiếp và tháng cuối cùng của 2 quý gần nhất.
Ngày thanh toán đáo hạn là ngày làm việc liền sau ngày đáo hạn. Số tiền tăng/giảm được ghi trên trên tài khoản khách hàng tương ứng với giá trị lãi/lỗ khi thực hiện tất toán hợp đồng.
Thử với ví dụ sau để hiểu rõ hơn về ngày đáo hạn phái sinh:
Hợp đồng VN30F2411 có ngày đáo hạn và ngày thanh toán là ngày nào?
Trả lời:
Hợp đồng VN30F2411 là hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tháng 11/2024. Ngày đáo hạn của hợp đồng VN30 tháng 11/2024 là ngày thứ Năm của tuần thứ 3 của tháng đó, tức là ngày 21/11/2024. Vậy ngày đáo hạn là ngày 21/11/2024 và ngày thanh toán là ngày 22/11/2024.

2. Những lưu ý khi giao dịch ngày đáo hạn phái sinh

Thông thường, trong giai đoạn đầu của hợp đồng, thị trường không có nhiều biến động hay thay đổi giao dịch. Càng gần đến ngày đáo hạn, thị trường càng trở nên nhộn nhịp hơn, đặc biệt trước ngày đáo hạn hai ngày, do hoạt động thực hiện vị thế của nhà đầu tư ồ ạt. Khi tham gia thị trường phái sinh, nhà đầu tư cần phải nắm rõ ngày đáo hạn để kịp thời thực hiện đóng các vị thế để chốt lời/cắt lỗ hiệu quả.

2.1 Lưu ý với nhà đầu tư không đóng vị thế trước ngày đáo hạn

Nếu đến ngày đáo hạn mà nhà đầu tư vẫn chưa đóng vị thế mua của hợp đồng tương lai, sẽ được coi là không nắm giữ vị thế mua vào ngày T+1 đến T+n. Nếu muốn giữ vị thế mua của hợp đồng này, nhà đầu tư bắt buộc phải bán hợp đồng đang nắm giữ rồi mua một hợp đồng mới ở vị thế mua cho tháng kế tiếp.

Tương tự với vị thế bán: Nếu đến ngày đáo hạn mà nhà đầu tư vẫn chưa thực hiện vị thế của mình, nhà đầu tư vẫn được giữ hợp đồng nhưng lúc đó sẽ không có quyền bán/không bán theo vị thế nữa. Như vậy, nếu muốn giữ vị thế bán của mình thì bắt buộc phải bán hợp đồng và mua một hợp đồng mới (mở vị thế mới) vào tháng liền kề tiếp theo.

Trường hợp nhà đầu tư không chủ động đóng vị thế dù đã kết thúc ngày đáo hạn thì Sở giao dịch chứng khoán và hệ thống giao dịch sẽ tự động đóng vị thế, tiến hành thanh toán lãi/lỗ theo đúng mức giá đóng cửa ở chỉ số VN30. Tức là thay vì bạn chủ động thực hiện vị đóng vị thế của mình và sẽ được thanh toán theo giá đặt ra trong thỏa thuận hợp đồng, thì lúc này bạn chỉ được thanh toán theo giá đóng cửa của của chỉ số VN30.

Ví dụ: Nhà đầu tư mua mã hợp đồng tương lai A có ngày đáo hạn là 20/06/2024. Nhà đầu tư đặt lệnh mua hợp đồng giá 1260, giá hợp đồng cuối phiên đóng cửa là 1265, chỉ số VN30 cuối phiên ATC là 1281. Nếu nhà đầu tư chủ động đóng vị thế bằng cách bán hợp đồng, giá bán lúc đó sẽ tính theo giá ATC đóng cửa là 1265. Nhưng nếu Nhà đầu tư không đóng vị thế dù đã quá ngày đáo hạn, hệ thống tự động đóng vị thế và tiền hành thanh toán lãi/ lỗ theo chỉ số VN30 cuối phiên ATC là 1281.

Như vậy, đối với nhà đầu tư đang mở vị thế, nếu vị thế hiện tại đang thuận lợi với mức chênh lệch điểm giữa chỉ số hợp đồng tương lai và VN30, nhà đầu tư có thể giữ và duy trì vị thế này đến kết thúc phiên ATC. Nếu vị thế hiện tại đang bất lợi, nhà đầu tư có thể đặt lệnh ATC với số lượng hđ gấp đôi vị thế hiện tại để có thể đảo chiều vị thế.

2.2 Quản lý vị thế

Quản lý vị thế là một phần quan trọng của chiến lược đầu tư chứng khoán phái sinh. Nhà đầu tư cần quản lý vị thế để chốt lãi, cắt lỗ hiệu quả nhất.

  • Nên đóng vị thế trước đáo hạn: Một lựa chọn phổ biến của nhà đầu tư phái sinh là đóng vị thế trước ngày đáo hạn. Điều này đảm bảo rằng hợp đồng của nhà đầu tư không bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả và tình hình thị trường không ổn định trong ngày đáo hạn.
  • Giữ vị thế đến ngày đáo hạn: Nếu nhà đầu tư quyết định tham gia vào ngày đáo hạn, hãy xác định rõ mình muốn mua hoặc bán hợp đồng phái sinh. Quyết định này cần phản ánh dự đoán của nhà đầu tư về sự tăng giảm của thị trường. Nhà đầu tư khi đầu tư phái sinh cần giới hạn rủi ro, và điều này càng đặc biệt quan trọng trong ngày đáo hạn. Nhà đầu tư có thể đặt mức dừng lỗ (stop loss) và lợi nhuận để bảo vệ vị thế của bạn khỏi những biến động không mong muốn.

Quản lý vị thế trong ngày đáo hạn chứng khoán phái sinh đòi hỏi sự cân nhắc và kỷ luật. Bạn cần đưa ra quyết định dựa trên thông tin và phân tích cẩn thận, và luôn sẵn sàng điều chỉnh chiến lược của mình theo tình hình thị trường.

2.3 Tác động từ thị trường cơ sở đến thị trường phái sinh

Trong ngày đáo hạn phái sinh, tác động từ thị trường cơ sở có thể là một yếu tố quyết định đối với diễn biến thị trường phái sinh. Vì vậy nhà đầu tư cần phân tích thị trường cơ sở và đưa ra những nhận định để ra quyết định phù hợp với diễn biến thị trường trong ngày đáo hạn.
Thị trường cơ sở có thể ảnh hưởng đến thị trường phái sinh thông qua:

  • Biến động giá cơ sở: Giá cơ sở có thể biến động mạnh trong ngày đáo hạn phái sinh. Ví dụ, nếu một cổ phiếu quan trọng trong chỉ số VN30 trải qua sự biến động đáng kể, nó có thể dẫn đến biến động trong giá hợp đồng phái sinh.
  • Chuyển động lớn trước giờ đóng cửa: Trước giờ đóng cửa của thị trường cơ sở, các nhà đầu tư “cá mập” thường thực hiện các giao dịch lớn nhằm ảnh hưởng đến giá đóng cửa. Điều này có thể tạo ra áp lực lên chỉ số VN30 và do đó ảnh hưởng đến giá hợp đồng phái sinh.
  • Hiện tượng arbitrage: Các nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể tận dụng sự chênh lệch giữa giá hợp đồng phái sinh và giá tài sản cơ sở để kiếm lợi nhuận. Trong ngày đáo hạn, họ có thể điều chỉnh vị thế của họ trên thị trường phái sinh để tận dụng cơ hội này

Bài viết đã cung cấp cho nhà đầu tư kiến thức về ngày đáo hạn chứng khoán phái sinh và những lưu ý khi giao dịch chứng khoán phái sinh gần và trong ngày này. Ngày đáo hạn phái sinh có thể tạo ra cả cơ hội lẫn rủi ro, vì vậy việc có kế hoạch,  phân tích thị trường và nắm bắt thông tin là những yếu tố quan trọng để đảm bảo việc đầu tư phái sinh hiệu quả. Tiếp tục theo dõi website Chứng khoán Pinetree để có thêm nhiều kiến thức của chứng khoán cơ sở và chứng khoán phái sinh nhé!

Để giao dịch chứng khoán phái sinh với mức phí tốt, NĐT có thể mở tài khoản trên ứng dụng AlphaTrading tại đây.

Công ty Cổ phần chứng khoán Pinetree

Bài viết sử dụng hình ảnh của freepik và các trang web cho sử dụng hình ảnh miễn phí khác.
Copyright 2022. Công ty Cổ phần chứng khoán Pinetree | GPKD: 0101294902